Tổ, nhóm chuyên môn là đơn vị cơ sở trong nhà trường, trực tiếp triển khai các hoạt động chuyên môn. Hoạt động tổ, nhóm chuyên môn luôn có một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng dạy, học trong các nhà trường.Tổ chuyên môn còn là cầu nối giữa Ban giám hiệu nhà trường với giáo viên và học sinh.

Hoạt động sinh hoạt chuyên môn trong các nhà trường trong những năm qua đã có bước đổi mới. Nhưng chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn chưa đạt kết quả cao. Thực tế cho thấy, các tổ, nhóm chuyên môn đang bộc lộ những khó khăn vướng mắc về cách thức sinh hoạt, công tác quản lí, chỉ đạo hoạt động đặc biệt là hiệu quả các buổi sinh hoạt còn hạn chế. Nội dung kế hoạch, sổ nghị quyết, sổ sinh hoạt nhóm , sổ theo dõi chuyên môn… còn nặng về hình thức, ghi chép còn chung chung, thảo luận về đổi mới phương pháp chưa đi vào chiều sâu, góp ý giờ dạy chưa đi vào mục tiêu yêu cầu nội dung. Một số tiết dạy xếp loại giỏi, khá chưa thực chất. Một số tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn còn mang tính hình thức chưa căn cứ vào chất lượng thực tế của tổ để xây dựng các chuyên đề cần sinh hoạt. Những hoạt động như thao giảng, dự giờ góp ý …còn mang tính đại khái, hình thức có dự giờ nhưng không góp ý xếp loại một cách nghiêm túc mà còn nể nang. Chưa mạnh dạn đề xuất những hoạt động của tổ mà chủ yếu dựa vào kế hoạch chung của nhà trường. Hoạt động trao đổi giữa các nhóm chuyên môn hiệu quả chưa cao. Thực tế ở trường việc sinh hoạt tổ , nhóm chuyên môn đã cho thấy sự hạn chế trong trao đổi nhóm chuyên môn . Việc đánh giá chuyên môn chưa tạo được không khí thoải mái trong các cán bộ giáo viên, còn quá nặng nề về báo cáo, còn coi trọng tính hành chính.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình của nhà trường và hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn. Tôi xin đưa ra một số giải pháp trong công tác sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn như sau:

Với Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn:

Phải là người gương mẫu, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Là người đóng vai trò trung tâm, có khả năng nắm bắt nhanh tình hình trong tổ, luôn bao quát công việc, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn cùng đồng nghiệp. Linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo trong công việc, mạnh dạn đề xuất những vấn đề liên quan đến tổ . Xây dựng mối đoàn kết trong tổ, là người biết lắng nghe, biết chia sẻ đặc biệt biết cách phản hồi tích cực (bởi đây là cách phản hồi khiến người nghe nhận ra cái sai mà vẫn thấy mình được coi trọng, sửa sai trong tâm trạng vui vẻ, thoái mái.

Ngay từ đầu năm học, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, phải bám sát kế hoạch chung của nhà trường, kế hoạch về chuyên môn để xây dựng kế hoạch chuyên môn của tổ. Khi xây dựng kế hoạch tổ chuyên môn cần phải lấy ý kiến của các tổ viên, xây dựng dự thảo rồi họp tổ chuyên môn để các thành viên trong tổ trao đổi,bàn bạc rồi đi đến thống nhất kế hoạch hoạt động của tổ trong năm học. Kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, rõ ràng: từ việc nêu phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu phấn đấu, các biện pháp thực hiện…đến việc phân công người thực hiện, thời gian hoàn thành…cho từng công việc trong từng tuần, từng tháng.

Khi phân công chuyên môn, phải nghiên cứu, xem xét năng lực chuyên môn, nắm bắt hoàn cảnh của từng giáo viên để bố trí, sắp xếp phù hợp. Phải biết khơi dậy lòng nhiệt tình, biết khích lệ, động viên các tổ viên để tổ viên hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ. Nội dung sinh hoạt chuyên môn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để thông báo trong cuộc họp, từ đó khắc phục tình trạng sinh hoạt tổ chuyên môn qua loa chiếu lệ. Vận động giáo viên nghiêm túc chấp hành sự phân công chuyên môn của nhà trường, mỗi giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc được giao, thẳng thắn góp ý với mục đích góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Nên tham khảo ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo nhà trường trước những vấn đề khó, chưa nắm bắt cụ thể để giải quyết một cách có hiệu quả nhất.

Phải thống nhất nề nếp sinh hoạt tổ chuyên môn và qui định chung của tổ. Thiết lập hồ sơ theo qui định.

Đối với nhóm chuyên môn:

TTCM  cần phân ra nhóm trưởng phụ trách chuyên môn cho cả nhóm – nên phân theo môn. Cũng như tổ chuyên môn, việc sinh hoạt nhóm chuyên môn là hoạt động không thể thiếu của một tổ chuyên môn. Hàng tháng, mỗi tuần một lần, nhóm chuyên môn tiến hành họp, xem đây như là buổi sinh hoạt theo định kỳ không thể thiếu.

Sau khi tổng kết các ý kiến của nhóm chuyên môn. Các nhóm CM cần rút ra một số yêu cầu cần thiết trong sinh hoạt nhóm chuyên môn, nhóm mạnh dạn đưa ra để các thầy cô trao đổi góp ý kiến như sau:

-  Về thời gian, không thể thống nhất theo qui định vào một buổi nào đó. Vì thời gian có thể thay đổi để phù hợp với các cá nhân trong nhóm, nên tạo điều kiện tốt nhất để tất cả mọi người trong nhóm có mặt đầy đủ.

-  Nhóm trưởng phải dựa trên kế hoạch của tổ để vạch ra nội dung sinh hoạt nhóm chuyên môn một cách cụ thể, chi tiết, tránh tình trạng đến lúc họp mới đưa nội dung, như vậy sẽ bị động, không đảm bảo nội dung, có thể bỏ sót những vấn đề quan trọng.

-  Thực hiện sinh hoạt nhóm chuyên môn theo qui trình sau:

Thứ nhất: Nhận xét, đánh giá tình hình thực hiện của nhóm chuyên môn trong hai tuần trước, phát hiện những vấn đề nảy sinh cùng trao đổi thảo luận đi đến thống nhất.

Thứ hai: Thống nhất nội dung các bài dạy trong hai tuần tiếp theo. Xác định rõ mục tiêu cần đạt, phương tiện, thiết bị dạy học cần sử dụng và nội dung tích hợp những gì trong từng tiết học…Xác định mảng kiến thức mới và khó để đưa ra phương pháp giải quyết tối ưu nhất.

Thứ ba: Nội dung các bài kiểm tra 15 phút, một tiết…nên bám sát chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng thảo luận, thống nhất hình thức ra đề phù hợp với đối tượng học sinh. Đề kiểm tra cần đảm bảo tính chính xác, khoa học, nội dung và tính vừa sức.

Thứ tư: Khi rút kinh nghiệm giờ dạy nên phản hồi tích cực, nắm bắt học hỏi những giải pháp hay, chỉ rõ những hạn chế mà giáo viên mắc phải để người được góp ý thấy được ưu điểm và hạn chế. Từ đó, cùng nhau học tập cái hay, sự sáng tạo để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ năm: Yếu tố không thể thiếu trong sinh hoạt nhóm chuyên môn là tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhóm. Tất cả đều phải coi sinh hoạt nhóm chuyên môn là hoạt động thường xuyên để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Tổ, nhóm chuyên môn đều là bộ phận quan trọng không thể thiếu trong nhà trường. Tổ , nhóm chuyên môn có tốt, làm việc khoa học, có sự đoàn kết thống nhất cao, các thành viên có tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực hết mình thì chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường sẽ được nâng cao, vị thế nhà trường ngày càng được khẳng định.

Tổ trưởng chuyên môn

 

Nguyễn Thành Đồng

Quần đảo Hoàng Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ căn cứ khoa học một cách vững chắc cả về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam từ lâu đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và liên tục thực hiện chủ quyền thực sự của mình đối với  quần đảo này.

Quần đảo Hoàng Sa  là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Quần đảo nằm cách miền Trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Philippines; cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.

Về khoảng cách đến đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần Việt Nam hơn. Cụ thể, khoảng cách từ đảo Tri Tôn (15°47'B 111°12'Đ) tới đảo Lý Sơn (15°22'B 109°07'Đ) là 123 hải lý. Nếu lấy toạ độ của cù lao Ré (tên cũ của Lý Sơn) là 15°23,1'B 109°09,0'Đ từ bản tuyên cáo đường cơ sở của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 12 tháng 11 năm 1982) thì khoảng cách đến bờ Lý Sơn thu ngắn lại dưới 121 hải lí. Ngoài ra, khoảng cách từ đảo Tri Tôn này đến mũi Ba Làng An (15°14'B 108°56'Đ) thuộc đất liền Việt Nam là 135 hải lí. Trong khi đó, khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến Lăng Thuỷ giác thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc là 140 hải lí. Khoảng cách từ Hoàng Sa tới đất liền lục địa Trung Quốc tối thiểu là 235 hải lí. Nếu Trung Quốc dùng rạn đá ngầm (đá Bắc) làm chuẩn để đo đến bờ đảo Hải Nam tại Lăng Thuỷ giác thì khoảng cách là 112 hải lí, nhưng do đá ngầm không có giá trị như đảo trong việc chuẩn định ranh giới nên lí lẽ này không thuyết phục.

 

Từ xưa quần đảo này đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triều lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo sư Sơn Hồng Đức cho số lượng là 120 đảo; sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 đảo.

Hình thái địa hình các đảo trong quần đảo Hoàng Sa tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới. Đa số các đảo nổi có độ cao dưới 10m. Phần lớn các đảo có diện tích nhỏ hẹp dưới 1km2.

Đảo thường có cấu tạo 3 phần khác nhau đó là phần đảo nổi, hành lang bãi triều (thềm san hô) bao quanh đảo và sườn bờ ngầm dốc đứng.

Về khí tượng: Thời gian nắng ở quần đảo Hoàng Sa dao động trong khoảng 2.400-2.600 giờ/năm, trong đó mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10) có thời gian chiếu sáng khoảng 1300 giờ, lớn hơn so với mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 4

Nhiệt độ không khí ở vùng biển Hoàng Sa có giá trị thấp nhất 22o-24oC trong tháng 1, tăng dần đạt cực đại 28.5o-29oC trong tháng 6, 7 và giảm từ từ tới 25oC vào tháng 12. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng nhiệt độ cao nhất và thấp nhất là 5.5oC-6oC.

Lượng mưa trung bình nằm ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 1.200-1.600mm, thấp hơn nhiều so với mưa ở vùng đảo Trường Sa và các vùng khác trên đất liền. Mưa chủ yếu tập trung vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10)

Độ ẩm tương đối trung bình ở Hoàng Sa 80-85% và hầu như không bị biến động nhiều theo mùa.

Quần đảo Hoàng Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Ngoài nghề cá, các hoạt động kinh tế khác bị kiềm chế do tranh chấp chủ quyền. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt,


Lịch sử quần đảo Hoàng Sa: Các chính quyền Việt Nam từ thế kỷ 17-18 đã tổ chức khai thác quần đảo. Đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn Việt Nam đã chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo. Tới đầu thế kỷ 20, Liên bang Đông Dương thuộc Pháp tiếp tục chủ quyền đối với quần đảo từ nhà Nguyễn, nhưng bắt đầu có sự tranh chấp chủ quyền với các chính quyền Trung Quốc. Trước năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tiếp nối thực hiện chủ quyền và kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa còn Trung Quốc kiểm soát phần còn lại (từ năm 1956). Từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa 1974 đến nay, Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đồng thời tuyên bố đây là lãnh thổ của họ.

- Cùng với bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam..

- Ngày 9 tháng 12 năm 1982: Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng..


- Ngày 23 tháng 6 năm 1994; Quốc hội Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 có nghị quyết nêu rõ: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …”

- Ngày 4 tháng 11 năm 2002: Tại Phnom Penh (Campuchia), Việt Nam cùng các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển và duy trì ổn định ở khu vực.

- Ngày 21 tháng 06 năm 2012: Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 bỏ phiếu thông qua Luật Biển, gồm 7 chương, 55 điều. Ngay ở Điều 1 luật đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tranh chấp chủ quyền: Hoàng Sa nằm giữa một khu vực có tiềm năng cao về hải sản nhưng không có dân bản địa sinh sống. Vào năm 1932, chính quyền Pháp ở Đông Dương chiếm giữ quần đảo này và Việt Nam tiếp tục nắm giữ chủ quyền cho đến năm 1974 (trừ hai đảo Phú Lâm và Linh Côn do Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1956). Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa từ năm 1974 sau khi dùng hải quân, lính thủy đánh bộ và không quân tấn công căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng Hoà ở nhóm đảo phía tây trong Hải chiến Hoàng Sa 1974Đài Loan và Việt Namcũng đa ng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.


Tháng 1 năm 1982Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách trắng Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: lãnh thổ Việt Nam, trong đó nêu nhiều lý lẽ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngoài ra cũng có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu độc lập khác cho thấy Hoàng Sa là của Việt Nam.

Gần đây nhất đã phát hiện chứng cứ rất rõ ràng khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, chứng cứ đó chính là sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý SơnQuảng Ngãi, gìn giữ suốt 174 năm qua, nay trao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh. Đây là sắc chỉ của vuaMinh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Ất Mùi, 1835).

Vào tháng 7/2012, báo chí Việt Nam đưa ra bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo ở Biển Đông đó là tấm bản đồ của Nhà Thanh xuất bản năm 1904 trong đó điểm cực nam của Trung Hoa chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam mà không hề có Tây Sa hay Nam Sa mà Trung Quốc đang cố gắng chiếm giữ.

Tuy nhiên bên phía Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền bằng cách đưa ra các thông tin về một quần đảo ngoài khơi biển Nam Hải theo nhiều tài liệu xuất hiện từ rất sớm như Nguyên sử hay Trịnh Hòa hàng hải đồ , nhưng vẫn không có bằng chứng về việc xác nhận chủ quyền của họ trên quần đảo này vào thời điểm này. Trong bản đồ thời Trịnh Hòa phía Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc, họ cho rằng địa danh Vạn Lý Thạch Đường là quần đảo Hoàng Sa, điều này đã được nhiều tài liệu của Việt Nam phản bác lại, trong bản đồ này không hề tồn tại cái tên Tây Sa Quần Đảo.Vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa dẫn tới việc nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối. Ngày 16 tháng 7 năm 2014 toàn bộ tàu của Trung Quốc cùng với giàn khoan đã di chuyển về phía đảo Hải Nam.

Tổ chức hành chính: Việt Nam tổ chức quần đảo thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Huyện đảo Hoàng Sa, được thành lập từ tháng 1 năm 1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sađá Bắcđảo Hữu Nhậtđảo Đá Lồiđảo Bạch Quyđảo Tri Tônđảo Câyđảo Bắcđảo Giữađảo Namđảo Phú Lâmđảo Linh Cônđảo Quang Hòacồn Bông Baycồn Quan Sát,cồn cát Tâyđá Chim Yến. Huyện đảo Hoàng Sa có diện tích: 305 km², chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng.


Ngày 21 tháng 4 năm 2009, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009-2014 đối với ông Đặng Công Ngữ. Bộ máy cán bộ chuyên trách của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ được thiết lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Vai trò của Hoàng Sa: Hiện nay, Biển Đông có vai trò quan trọng về phương diện kinh tế và quân sự đối với Trung Quốc, các nước Bắc Á và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.

Biển Đông còn là thủy đạo nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Mọi di chuyển bằng hàng hải giữa các quốc gia thuộc Vòng đai Thái Bình Dương với vùng Đông Nam ÁẤn ĐộTây ÁĐịa Trung Hải và xuống châu Úc đều thường xuyên đi qua vùng biển này. Hoàng Sa là một quần đảo nằm trên thủy lộ đó. Những tranh chấp căng thẳng đã và đang xảy ra tại Hoàng Sa cho thấy việc kiểm soát Hoàng Sa vô cùng quan trọng trong việc nắm quyền kiểm soát thuỷ đạo quan trọng của Đông Nam Á và của thế giới. Điều này ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trên thế giới chứ không chỉ liên quan đến lợi ích riêng của các nước tham gia tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ra, Biển Đông còn là nguồn cung cấp hải sản, dầu thô, và khí đốt rất đáng kể.Việc kiểm soát Hoàng Sa là lợi thế đối với việc giành quyền kiểm soát biển Đông và các nguồn tài nguyên tại đây.

Nguyễn Văn Tuấn

(Tổng hợp và giới thiệu)


Có ai là người dân thành phố mà  không có gốc gác ở quê? Ít lắm! Bởi vậy, mỗi người vẫn dành cho quê nhà một góc rộng lớn trong trái tim mình. Những cánh đồng rơm rạ thơm mùi lúa mới, những buổi mò cua bắt ốc với cái giỏ tre lủng lẳng bên hông vẫn hiển hiện trong nỗi nhớ như mới đây thôi. Các thầy cô giáo, nhiều người đã sống trọn tuổi thơ trong chốn ruộng đồng, các bậc phụ huynh cũng không ít người chỉ mong được có ngày nghỉ để đưa con về quê hít thở mùi lúa ngậm sữa thơm thơm, ngòn ngọt. Cuộc sống phố xá và tốc độ đô thị hóa vốn là mơ ước của nhiều người, nhưng cũng đã làm cho văn hóa dân gian bị phai nhạt ít nhiều. Ngày hội văn hóa dân gian hàng năm được tổ chức ở trường học chính là nhằm mục đích tái hiện và phát huy văn hóa dân gian trong tâm hồn của học sinh thời hiện đại và cũng là một dịp để thầy trò được sống trong không khí thân tình, ấm áp.

Một tuần háo hức chờ đợi, ráo riết chuẩn bị, cuối cùng thì Ngày hội dân gian năm 2012 cũng đã tới với thầy trò trường THCS Nguyễn Huệ vào sáng ngày 24/3/2012. Dù đây là lần thứ hai trường tổ chức ngày hội này, nhưng tôi vẫn thực sự bất ngờ trước qui mô của nó. Sau lời khai mạc ngắn gọn và sâu sắc của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ân, ngày hội đã bắt đầu.

 

Tôi đi một vòng quanh các trại và  không hết ngạc nhiên trước tài năng của các em học sinh. Tất cả vật liệu trang trí đều có chất liệu và hình thức đậm chất dân dã nhưng lại được bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng của các em cách điệu trở nên bay bổng và ngộ nghĩnh hơn. Những chiếc chuông gió bằng nón, bằng gáo dừa, ống trúc, rồi những bóng đèn bằng giỏ tre, những chiếc mẹt, chiếc quạt được dùng để viết tên chi đội bằng lối thư pháp thật mềm mại và độc đáo.

 

 

Hồn quê đã được tái hiện giữa phố thị. Tôi như được trở lại thuở bé theo mẹ đi chợ. Với hơn hai mươi món ăn truyền thống được bày bàn, các em học sinh đã tạo nên một không gian ẩm thực dân gian thật hấp dẫn. Món ngon của ba miền đều có mặt với cách bày biện và mùi vị khiến cho cái bụng khó tính đến mấy cũng phải đòi ăn. Chỗ này là quán Năm Nồi với mấy anh chủ quán mặc bà ba thoăn thoắt bưng đồ ăn, miệng chào mời đon đả, chỗ kia là quán bánh cuốn, bánh đúc với cô bán hàng mặc áo tứ thân miệng nói ngọt như mía lùi, rồi bánh bèo, bánh nậm, mít trộn...

 

 Ôi! Những học sinh thường ngày quậy thế mà giờ đây bán hàng, chào khách cứ dẻo quẹo. Mấy học trò tinh nghịch của 9/3, 9/4 còn lập hẳn một nhóm chèo kéo khách từ ngoài xa  vào tận quán của mình. Tất cả đều quên đi mình là ai, chỉ còn sống hồn nhiên, hết mình trong không khí dân dã này và khoảng cách thầy trò đã rút ngắn lại rất nhiều.


Cùng lúc khai trương các gian hàng ẩm thực là khai mạc cuộc thi Tiếng hát dân ca, Vẽ tranh dân gian và các trò chơi thể thao như kéo co, đẩy gậy, kẹp bóng, đổ nước vào chai...Không khí sân trường nóng lên dần khi những tiếng reo hò vang lên. Những khúc dân ca hàng ngày các em ít nghe, nhưng trong không gian này, nó bỗng trở nên hay hơn và thật thấm thía. Tiết mục Hò kéo lưới của lớp 9/8 đã khiến khán giả không thể đứng yên, các em reo hò, nhún nhảy theo bạn và hét vang vui sướng.

 

 Cuộc thi Rung chuông vàng dù diễn ra giữa trời nắng nhưng điều đó vẫn chưa bằng độ căng thẳng và hấp dẫn của cuộc thi khi chỉ còn duy nhất thí sinh  Linh Đa của lớp 9/7 vào vòng cuối. Những câu hỏi về các anh hùng dân tộc đã khơi dậy lòng tự hào của các em và chứng tỏ khả năng nắm bắt kiến thức lịch sử rất tốt.


Vào giữa trưa, lúc các lớp đang tạm nghỉ,  bỗng tiếng nhạc khiêu vũ vang lên. Sau tiếng gọi của cô Tổng phụ trách, lập tức học sinh bị cuốn theo tiếng nhạc, điệu nhảy tưng bừng. Chưa bao giờ tôi thấy sân trường có một màn trình diễn tự do bất ngờ mà sôi động như vậy. Dưới sự khuấy động tài tình của cô Thùy Loan và Chi đoàn giáo viên, cả sân trường hàng ngàn học sinh đã hòa quyện vào nhau trong những điệu vũ rộn ràng. Giây phút đó, những căng thẳng, mệt nhọc, lo lắng đều tan biến hết.

Trong không khí trẻ trung, tươi mới đó, lễ kết nạp Đoàn đã diễn ra lọng trọng và xúc động. Các phần của ngày hội đã tiếp nối nhau một cách chặt chẽ khiến cho những đoàn viên TNCS thấy mình trở nên quan trọng hơn và ý thức được trách nhiệm với non sông đất nước sao cho xứng đáng với thế hệ trước:

 

Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay

" Ngày vui ngắn chẳng tày gang", ngày hội dân gian đã kết thúc nhưng dư âm còn ngân nga mãi trong lòng. Những điệu lý, câu ca đã đi vào tâm hồn trẻ thơ để khơi dậy và giữ gìn cái gốc của hồn quê đất Việt trong tâm hồn mỗi người như nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã viết:

Hồn như hạt cải, hạt kê

Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh.

 “Thật không uổng phí khi bỏ một buổi chiều chủ nhật đẹp trời để đến đây ngồi hỉ!” một cô giáo trong tổ Ngoại ngữ đã nói như thế khi cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh do Quận tổ chức đang diễn ra ở phần 2, một phần gay cấn, của chương trình.

Cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh trong những năm gần đây là một hoạt động thường xuyên và là “mặt nổi” của Phòng GD-ĐT Quận Hải Châu. Cuộc thi năm nay được tổ chức rầm rộ hơn, hoành tráng hơn và có sự tham gia đông đủ của 11 trường THCS trong địa bàn quận - không chỉ hoành tráng hơn về hình thức tổ chức mà còn “hoành tráng” hơn về chất lượng của học sinh dự thi! Các học sinh dự thi phần 1- trình bày về chủ đề tự chọn- với một phong thái rất tự tin, đặc biệt năm nay hầu hết đều phát âm rất chuẩn xác và tự nhiên theo phong cách nói. Dự thi ở thứ tự số 8, em Nguyễn Mai Lan của trường Nguyễn Huệ đã tỏ ra rất bình tĩnh và tự nhiên trình bày một cách trôi chảy chủ đề “Protecting Trees”(Bảo vệ cây cối), một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Phong cách linh hoạt, phát âm chuẩn xác kết hợp với vẻ mặt tự nhiên và rạng rỡ của em đã khiến cho cả khán phòng lắng nghe một cách thích thú. Mai Lan đã nhận được những lời khen ngợi từ Ban Giám khảo, của MC chương trình và những tràng vỗ tay của người tham dự.

                                                  " em Mai Lan đang thi"

Mới một nửa chặng đường thôi – Cô và trò vẫn còn tâm trạng hồi hộp lo lắng vì phần 2 của cuộc thi - phần mô tả tranh - mới quyết định đội thi của trường nào thắng cuộc! Đây là phần thi đánh giá chính xác thực lực của các em vì các em chỉ có 6 phút để suy nghĩ, chuẩn bị trong đội và sau đó trình bày ý kiến của mình về bức tranh. Nhìn thấy các đội bạn lần lượt lên trình bày, 3 bạn dự thi của đội Nguyễn Huệ ( Nguyễn Mai Lan 9/3, Nguyễn Phương Anh 9/5 và Phan Khánh An 9/10) không biết đã đứng tụm lại ở một góc từ lúc nào, rù rì trao đổi, rút kinh nghiệm... chia thời gian sao cho bạn nào cũng được nói (vì theo đánh giá của cô giáo bồi dưỡng, cả 3 em đều có khả năng nói tốt nên cả 3 cần phải thể hiện!)

Phần thi mô tả tranh đã đến! Hồi hộp quá, tranh gì đây? Có khó không? Rồi thì cả cô lẫn trò đều reo lên khi thấy đó là tranh về trò chơi dân gian, một hoạt động được nhà trường tổ chức trong những năm gần đây và được các em học sinh trong trường rất yêu thích . Thật thích thú khi thấy các em đứng trao đổi với nhau trên sân khấu – tự nhiên, sôi nổi và (khác với một số đội bạn) hoàn toàn không cần ghi chú gì. Các em đã dành 3 phút để trình bày – có lẽ khoảng thời gian đó quá ít, không kịp để Khánh An đưa ra một câu kết hoàn hảo vì trước đó , Phương Anh mở đầu giới thiệu bức tranh quá trôi chảy và chính xác, rồi thì Mai Lan say sưa trình bày về trò chơi “banh-đũa”. Tuy vậy mọi người đều cho rằng đoạn kết của các em rất dễ thương và tự nhiên, chỉ có “người trong cuộc” mới biết các em, nhất là Khánh An , vẫn còn điều muốn nói...


Kết quả cuộc thi đã khá rõ – Đội Nguyễn Huệ thật sự nổi bật!

Đội thi trường THCS Nguyễn Huệ đạt giải Nhất” – một kết quả xứng đáng cho sự nổ lực rèn luyện của các em trong đội. Các em đã đáp lại sự tin tưởng và kỳ vọng của Ban Giám Hiệu và của các cô giáo trong tổ Ngoại Ngữ. Đây cũng là món quà tinh thần đầy ý nghĩa mà các em dành tặng các Thầy Cô cho ngày 20/11 sắp tới đấy, các em ạ !

TỔ NGOẠI NGỮ


Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ về thầy, tôi lại thấy day dứt. Không biết đến khi nào tôi mới quên được điều mà tôi đã gây ra cho thầy giáo tôi. Năm ấy, tôi học lớp 7, lớp cuối cấp II tại một ngôi trường nhỏ ven Hồ Tây. Lớp tôi được thầy giáo Phạm Tuấn Anh chủ nhiệm. Thầy vừa chủ nhiệm vừa dạy hai môn Toán, Lí. Chẳng biết có phải là giáo viên dạy giỏi không, nhưng thầy giảng bài rất dễ hiểu. Ngay cả đứa lười và dốt như tôi từ lúc nào cũng đã say mê hai môn học đó của thầy và cuối cùng được chọn đi thi học sinh giỏi. Công sức của thầy, sau này chúng tôi mới hiểu, còn ngay lúc đó, lũ học trò lười biếng, nghịch ngợm chúng tôi chỉ thấy vô cùng khó chịu vì bị thầy đưa vào khuôn phép. Giờ là giáo viên, tôi mới hiểu rằng làm một người tận tâm với học trò như thầy tôi quả thật là khó.

Kính thưa quí vị đại biểu,  quí thầy cô giáo, cùng toàn thể các bạn học sinh!

 Hôm nay, chúng em rất vui mừng và tự hào trước những phần thưởng của bản thân và những kết quả mà thầy trò trường ta đã đạt được trong năm học này. Để có những thành tích ngày hôm nay, thầy cô đã phải đổ bao công sức và tâm huyết của mình, không chỉ  dạy chữ mà còn dạy chúng em làm người. Thay mặt toàn thể học sinh trong trường, em là Trần Hương Giang, học sinh lớp 9/8, xin được gửi đến thầy cô lời biết ơn chân thành nhất. Qua buổi lễ long trọng này, chúng em cũng xin gửi đến các bậc cha mẹ và chính quyền địa phương lời cảm ơn vì đã luôn dành cho chúng em những điều kiện tốt nhất cho việc học tập.

 

Kính thưa quí vị đại biểu,  quí thầy cô giáo, cùng toàn thể các bạn học sinh!

Đối với những học sinh lớp 9 chúng em, những ngày được học, được sống dưới mái trường Nguyễn Huệ thân thương là những ngày tháng tươi đẹp, vô tư và trong trẻo nhất! Bốn năm qua, dưới mái trường này, chúng em đã lớn lên nhờ “ cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”. Lặng lẽ, ân tình và gửi gắm biết bao hi vọng, thầy cô đã cho chúng em tri thức, dạy dỗ chúng em nên người. Trường Nguyễn Huệ chẳng khác gì ngôi nhà thứ hai của mỗi chúng em. Nghĩ đến việc phải rời xa nơi này, em buồn lắm…

Đi dọc những hành lang quen thuộc, đưa mắt nhìn ra khoảng trời đầy nắng và gió, em thấy yêu quá những hàng cây bàng,… thấy nhớ làm sao những ngày đầu được thầy cô dìu dắt bước vào trường. Em nhớ lắm tiếng giảng bài trầm bổng và cả lời nhắc nhở nghiêm khắc của thầy cô;  những lúc vui vẻ và cả những giận hờn với bạn bè… Bao lần làm thầy cô buồn, chúng em vẫn chưa nói được lời xin lỗi ; bao công lao dạy dỗ của thầy cô, chúng em vẫn chưa cất nên lời cảm ơn... Rồi mai đây, mỗi học trò lớp 9 rẽ sang một ngả khác nhau, mấy ai có lúc ngoảnh mặt lại mà nhìn những bước chân mình đã đi qua, những vấp ngã được thầy cô nâng đỡ. Nhưng chúng em biết rằng, dù ở nơi đâu, có bạn bè mới, thầy cô mới thì chúng em cũng không thể quên mái trường Nguyễn Huệ dấu yêu này!

Kính thưa quí vị đại biểu. Kính thưa thầy cô thân yêu!

Những ngày này, học trò lớp 9 thường ngồi nán lại dưới tán bàng xanh mát dù trống đã báo tan trường…Chúng em  muốn lưu giữ bóng dáng thầy cô, bè bạn, những hàng cây, ghế đá và lớp học thân quen…Tất cả những hình ảnh này rồi sẽ trở thành kỉ niệm…Em sẽ không còn được ngồi trong lớp 9/8 thân thương, không còn được nghe thầy cô giảng bài hoặc trách phạt, cũng không thể cùng bạn bè ngắm nhìn hoa đậu tây vàng rực, hoa súng tím  biếc mỗi ngày nữa…Chúng em muốn lớn lên nhưng lại không muốn rời xa nơi này. Bây giờ thì em đã hiểu được hai câu thơ mà Chế Lan Viên đã viết:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn…

Trong những giờ phút cuối cùng trước lúc chia tay, thay mặt cho những học sinh lớp 9, em xin gửi đến các thầy cô những lời cảm ơn chân thành nhất từ tận đáy lòng. Chúng em kính chúc thầy cô cùng quí vị đại biểu luôn mạnh khoẻ, có thật nhiều niềm vui.

Nhớ đến chúng em, đến khoá học 2008- 2012 này, xin thầy cô hãy chỉ giữ lại niềm thương, quên đi nỗi buồn để mái tóc thầy cô đừng thêm sợi bạc…Chúng em xin hứa sẽ cố gắng thi thật tốt trong kì thi tuyển sinh quan trọng  sắp tới để không phụ công dạy dỗ của thầy cô. . .

Xin hãy nhận từ chúng em lời tri ân và tạm biệt!

(Trần Hương Giang- Học sinh giỏi, Lớp trưởng lớp 9/8, Giải Khuyến khích môn Văn )

Hoạt động tiêu biểu

Website liên kết

Thống kê truy cập

897545
Hôm nay:
Hôm qua:
Tháng này:
Tất cả
1039
2212
36858
897545

Thành tích

Gương mặt tiêu biểu