Chúc mừng trường THCS Nguyễn Huệ đạt kết quả cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-Learning cấp thành phố, năm học 2020-2021 với: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.


Ngày 30/10/2017, trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức chương trình "Truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới năm 2017"
Trong buổi truyền thông, nhà trường vui mừng được đón thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng công tác Chính trị Tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo về nói chuyện với thầy cô giáo và các em học sinh ở vai trò diễn giả truyền thông! 
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương bắt đầu bằng nụ cười hiền từ, bàn tay thầy giơ cao hướng về phía các em vẫy chào thân thiện. Thầy không chọn sân khấu mà đứng ngay trên bục cột cờ giữa sân trường, dưới bóng cờ tổ quốc - nơi gần nhất với học trò và nơi mà mọi em học sinh đều có thể nhìn thấy thầy.
Câu chuyện của thầy bắt đầu bằng việc dẫn dắt các em vào trí nhớ để nhớ lại hình ảnh đàn chim Lạc trên trống Đồng, từ câu chuyện về dòng dõi con Rồng, cháu Tiên, về một dân tộc vốn văn minh từ những ngày đầu lập nước, để từ đó các em học sinh nhận ra, giá trị văn hóa cốt lõi trong truyền thống văn hóa người Việt là coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Bài học về bình đẳng giới đã đến với các em bình dị như thế - không khẩu hiệu, không kêu gọi ồn ào mà nó thấm vào nhận thức của học trò bằng niềm tự hào dân tộc.
Trong 1 giờ nói chuyện cùng thầy cô giáo và các em học sinh trong trường, thầy Hoàng Vương đã kể những câu chuyện bình dị từ những trải nghiệm của bản thân và những câu chuyện đâu đó quanh thầy. Xúc động nhất là những câu chuyện về sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ để mong cho con mình thành công và hạnh phúc về sau.
Không gian rộng lớn của sân trường với hơn 2000 học sinh như nhỏ lại, bóng nắng nhạt của một sớm trời se mát xuyên qua kẽ lá soi từng gương mặt học trò. Sau một đêm mưa rào, giờ đây, cỏ cây dường như cũng lim dim mắt và gió thổi rất nhẹ để nghe lời thầy! 
Không một tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng thầy ấm áp, du dương hòa vào tiếng nhạc không lời dịu nhẹ cứ len lỏi, thấm đẫm vào tâm hồn học trò.
Tôi nghe quanh mình đâu đó tiếng sụt sịt của mấy thầy cô ngồi phía sau, tôi nghe lòng mình nghẹn lại trong cảm xúc từ từng câu chuyện kể. Nhiều học trò liên tục đưa tay quệt những giòng nước mắt không ngừng lăn dài trên má, nhiều học sinh nam gục mặt trên gối, đôi vai khẽ rung lên vì cố dấu cảm xúc riêng mình, có những em lớp 6 không kìm được cảm xúc òa khóc nức nở,...
Có lẽ, ai cũng thấy mình, thấy bóng dáng người thân trong những câu chuyện của thầy!
Những giọt nước mắt đó, có thể là nước mắt hối lỗi của những em chợt nhận ra mình đã từng làm cha mẹ buồn vì những suy nghi, những hành động non dại, đó có thể là giọt nước mắt của những đứa con lần đầu chợt nhận ra sự hi sinh vĩ đại của mẹ cha, đó có thể là giọt nước mắt của một ký ức, một sự quyết tâm nào đó vừa được nhen lên tròng lòng trẻ...
Những câu chuyện của thầy Hoàng Vương đã chạm đến sâu thẳm tâm hồn mỗi người, đánh thức lòng biết ơn, sự trân quý tình cảm gia đình.
Bài học làm người, bài học về tình cảm gia đình, bài học về lòng biết ơn đã đến với học trò của tôi nhẹ nhàng như thế! Một giờ học không sách vở, không lý thuyết - giờ học của tâm hồn để chạm đến tâm hồn!!!

Thùy Loan

Một số hình ảnh trong buổi truyền thông


Trong thời gian từ ngày 26/10 đến 03/11/2019, trường THCS Nguyễn Huệ đã tham gia giải bóng đá nam nhà giáo mở rộng năm 2019 do trường THCS Lý Thường Kiệt đăng cai. Sau những trận đấu đầy kịch tính và lôi cuốn, nhất là trong trận chung kết với trường THCS Hồ Nghinh, trường THCS Nguyễn Huệ đã xuất sắc đạt chức vô địch sau loạt penalty cân não với tỷ số chung cuộc 5-4.

Một số hình ảnh của giái đấu:





Đất nước ta đang đặt ra nhiệm vụ cho ngành giáo dục là phải đào tạo cho được nguồn nhân lực dồi dào có đủ trình độ, năng lực, lao động sáng tạo, tay nghề cao, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phải giỏi về lý thuyết và thạo về thực hành. Để làm được điều đó, bản thân mỗi thầy cô giáo phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với môn học, phù hợp với trình độ học sinh nhằm đào tạo ra nhiều học sinh thực sự có năng lực, đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại. Tâm lý con người nói chung, học sinh nói riêng đều thích khám phá cái mới hơn những điều mình đã biết, do đó dạy học có hiệu quả phải biết phát triển tư duy sáng tạo và hứng thú cho học sinh.

 

Vật lí là một bộ môn khoa học thực nghiệm, vì vậy việc sử dụng thí nghiệm  trong dạy học vật lý ở trường phổ thông không chỉ là công việc bắt buộc, mà nó còn là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy học, góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh. Một trong những tác dụngcủa thí nghiêm là tạo ra sự trực quan sinh động trước mắt HS và cũng chính vì thế mà sự cần thiết của thí nghiệm trong dạy học vật lý còn được quy định bởi tính chất của quá trình nhận thức của HS dưới sự hướng dẫn của GV.

Ngoài ra, Thí nghiệm vật lý còn góp phần giúp cho HS củng cố niềm tin khoa học nhằm hình thành thế giới quan duy vật biện chứng cho HS.

Lâu nay, việc sử dụng các bộ thí nghiệm trong dạy và học Vật lí ở trường Nguyễn Huệ là hoạt động thường xuyên của mỗi giáo viên dạy Vật lí. Song để khai thác tốt các tiện ích, công năng của các bộ thí nghiệm này trong quá trình dạy học  phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban giám hiệu, phòng bộ môn và giáo viên giảng dạy để từ đó góp phần vào nâng cao chất lượng dạy học bộ môn 

Với Ban giám hiệu :

-Trong việc phân chia thời khóa biểu BGH của trường đã chú ý đến việc  sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để phát huy tối đa việc sử dụng đồ dùng dạy học, sử dụng phòng bộ môn.

-Thực hiện đổi mới nội dung sinh hoạt ở tổ, nhóm chuyên môn, tập trung chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học , tổ chức dạy học ở phòng bộ môn và sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả... qua đó giúp thực hiện tốt hơn việc dạy học của giáo viên.

- Thường xuyên kiểm tra việc bảo quản , sử dụng ĐD DH và phòng bộ môn để kịp thời nhắc nhở những GV sử dụng chưa tốt, động viên khuyến khích GV thực hiện tốt.

Với Phòng bộ môn:

-Giáo viên kiêm nhiệm quản lý phòng bộ môn có đầy đủ hồ sơ sổ sách quản lý, tổ chức sắp xếp thiết bị khoa học để thuận tiện cho việc chuẩn bị đồ dùng hàng tuần.

- Hàng tuần chuẩn bị Đ D DH theo phiếu báo Đ D DH của GV và lập kế hoạch dạy học sử dụng phòng bộ môn và thiết bị dạy học cho từng tuần , tháng nhằm khai thác việc sử dụng với hiệu suất cao nhất.

-GV phụ trách phòng bộ môn có lịch làm việc cụ thể trong tuần, kiểm tra , sắp xếp đồ dùng dạy học khoa học, tạo thuận lợi cho việc mượn đồ dùng của GV.

Với Giáo viên bộ môn:

-Mỗi GV phải nghiên cứu chương trình, biết rõ các thiết bị hiện có, lập kế hoạch giảng dạy cụ thể những tiết dạy có dụng cụ dạy học , có sử dụng phòng bộ môn, lập phiếu báo cho phòng bộ môn ít nhất 1 tuần trước khi dạy.

-Trong các buổi họp nhóm chuyên môn GV giảng dạy kết hợp với phòng bộ môn chuẩn bị trước thật tốt thiết bị dạy học, kiểm tra lắp đặt làm thí nghiệm trước để việc sử dụng Đ D DH mang lại hiệu quả cao.

-GV cần làm tốt công tác tổ chức lớp học do mình phụ trách trong việc phân nhóm học tập, giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên trong nhóm sao cho các HS đều có nhiệm vụ cụ thể của mình.

Với Học sinh:

-Cần giáo dục ý thức kỹ luật , quy định nề nếp giờ giấc việc HS di chuyển đến phòng bộ môn, thực hiện nghiêm túc các quy định của phòng bộ môn.

-Phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV, thực hiện tốt việc hoạt động nhóm, thảo luận và ghi chép các kiến thức quan trọng rút ra qua hoạt động học tập.

- Rèn luyện đức tính cẩn thận, trung thực trong quá trình thực hiện thí nghiệm, ý thức bảo quản tài sản và giữ gìn vệ sinh.

Trên đây là một số kinh nghiệm của nhóm vật lý trường THCS Nguyễn Huệ về việc khai thác tốt các bộ thí nghiệm và sử dụng phòng học bộ môn trong dạy học Vật lí ở trường THCS. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ các bạn đồng nghiệp.

ĐNO - “Mỗi người đều có cách đóng góp cho xã hội của riêng mình. Những người có điều kiện kinh tế, họ dùng tài chính để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Còn mình là giáo viên, mình có kiến thức, có kinh nghiệm giảng dạy, có những bài học thì mình sẽ tận dụng những kỹ năng đó để chia sẻ cho học trò…”.

Từ suy nghĩ này mà lớp học kỹ năng sống miễn phí của cô Phạm Thị Thùy Loan (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu) ra đời.


“Cô Loan hài hước”, “Cô Loan đáng yêu”… là những biệt danh mà học trò ở trong/ngoài Trường THCS Nguyễn Huệ đặt cho cô Loan.

Ngày thường đóng vai một cô hiệu phó nghiêm nghị nhưng mỗi thứ bảy hằng tuần, cô lại là một diễn giả hài hước với hàng chục câu chuyện thú vị xoay quanh các vấn đề về chống xâm hại tình dục trẻ em, cách xử lý cảm xúc, cách đối diện với nguy hiểm…

Lớp học của cô Loan không giới hạn độ tuổi, không phân biệt học sinh trong hay ngoài trường, không thu học phí, chỉ một thứ “có” đó là các em góp mặt và tiếng cười.

Em Thu Thảo (học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ) thổ lộ: “Em biết đến lớp học kỹ năng của cô Loan từ một người bạn của em. Ban đầu, em định không tham gia vì nhà em ở bên quận Sơn Trà, còn lớp học của cô thì mở tại Trường THCS Nguyễn Huệ - khá xa nhà em.

Tuy nhiên, bạn em đi học về kể bao nhiêu là chuyện vui nên em nhờ mẹ chở đi học thử. Những bài học cô giảng về giới tính, về xâm hại tình dục… tưởng như đã cũ, đã quá quen thuộc vậy mà hóa ra, điều em biết chỉ là thông tin hời hợt bên ngoài chứ chưa hiểu hết giá trị giáo dục bên trong.

Em thích nhất ở cô là buổi học nào cô cũng hỏi học sinh cần biết điều gì, tò mò về vấn đề nào… Khi chúng em chia sẻ suy nghĩ, mong muốn của mình thì buổi học sau cô dựng bài học đó”.

Cô Loan chia sẻ, cơ duyên của lớp học này là từ dự án Hành trình yêu thương do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường thực hiện.

Từ khi còn là cô giáo Tổng phụ trách Đội, cô đã thường xuyên đồng hành với học trò trong các hoạt động ngoại khóa. Hơn 10 năm làm việc, cô nhận thấy học trò của mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Vậy là cô lên kế hoạch xây dựng các bài học của riêng mình.

Từ việc kế thừa những kiến thức từ bộ sách Hành trình yêu thương, cô Loan trực tiếp liên hệ với các giảng viên Khoa Tâm Lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng); cô đọc các tài liệu về tâm lý lứa tuổi, tìm các dẫn chứng cụ thể trên mạng internet… để tự mình trau dồi thêm kiến thức nhằm truyền thụ những thông tin gần gũi, chân thực, dễ hiểu nhất đến học sinh.

Vì lớp học tập hợp những trẻ có độ tuổi chênh lệch nên việc dạy của cô Loan cũng gặp khá nhiều khó khăn. Với trẻ tiểu học, chỉ cần lời nói ngọt ngào, sự thân thiện, gần gũi là đủ làm các em thích thú nhưng với trẻ lớn hơn thì cần cả sự hóm hỉnh, sâu sắc mới thu hút các em đến lớp.

Về ngôn ngữ, với trẻ nhỏ, khi dạy về giới tính, phải dùng những từ ngữ dễ hiểu, trong sáng. Còn với học sinh THCS hay THPT, các vấn đề cần được nhìn thẳng, không quanh co, ẩn dụ.

Có lẽ, nhờ đọc nhiều sách, xem nhiều thông tin về tâm lý lứa tuổi, cô Loan “nắm” được hầu hết ngôn ngữ giới trẻ đương thời.

Em Hải Triều (học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Lợi), hồn nhiên nói: “Có nhiều vấn đề con không dám hỏi ba mẹ, ví dụ như biểu hiện của tuổi dậy thì hay việc con thích bạn cùng lớp… Con không nói với ba mẹ mà con cũng không biết nói với ai. Vậy là con cứ im lặng thôi.

Từ khi con đi học lớp cô Loan thì con thấy dễ chia sẻ hơn, con cởi mở hơn với ba mẹ và con nhận ra, ba mẹ cũng lắng nghe và thông cảm với con”.

Lớp học Kỹ năng sống này mới được mở trong dịp hè vừa qua, chỉ được thông báo trên facebook cá nhân của cô Loan nhưng nay đã được khá nhiều người biết đến.

Cô Loan nói rằng, cô sẽ không đóng khung các bài học mà sẽ dạy theo hình thức “Trẻ cần cái gì, cô sẽ dạy cái đó”. Việc hiểu được những thiếu hụt trong nhận thức, kỹ năng của học trò thôi thúc cô mở và duy trì lớp học này.

“Tôi nghĩ mình không cần làm cái gì to tát. Mình dùng chính những hiểu biết của mình, một phần thời gian của mình… là có thể giúp được học trò rồi”, cô Loan nói.

Bài và ảnh: QUỲNH TRANG

http://baodanang.vn/nguoi-da-nang/201809/lop-hoc-ky-nang-song-cua-co-loan-3116036/index.htm

Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)

Tôi sinh ra ở một vùng quê và lớn trong nhiều khốn khó. Hình ảnh những mái tranh nghèo,  những cảnh sống lam lũ của người thôn quê đã trở nên rất đỗi quen thuộc trong tôi. Nơi đó chúng tôi vẫn lớn lên mỗi ngày, lấy sự học để làm hành trang thoát khỏi cảnh nghèo.Tôi học sư phạm và ở lại thành phố Đà Nẵng để làm việc – Đây là một thành phố trẻ trung,  năng động, tiềm tàng đầy nguồn sống và nhiều cơ hội để tôi tiếp tục vươn mình.

Những năm đầu tiên trong nghề, tôi nhận thấy được nhiều sự khác biệt trong điều kiện sống của trẻ em nơi đây so với chúng tôi trước kia. Sự khác biệt đó vô cùng lớn giữa một bên là vùng quê nghèo trong điều kiện của hơn mười năm trước và một bên là nhịp sống sôi động, phồn thịnh của trung tâm thành phố đô thị loại một nơi đây. Trong tâm hồn cô giáo trẻ, tôi say mê trong công việc của mình với niềm tin “Học sinh của tôi là những em nhỏ có đầy đủ mọi điều kiện để học hành, các em sẽ đến trường trong một tâm hồn rộng mở mênh mông để đón nhận kiến khức. Sẽ không có gì vướng bận, sẽ không có chút cản trở nào cho các em đến với thế giới diệu kỳ”… Nhưng rồi suy nghĩ ấy dần thay đổi, khi mà sự trải nghiệm cuộc sống dày lên trong tôi sau mỗi lần đến gần hơn với mỗi một cảnh sống của học trò. Đặc biệt là sau khi tôi trực tiếp đến thăm nhà các em học sinh trong trường.

Thực hiện phong trào “Áo ấm tặng bạn mùa đông” trong năm học 2009 – 2010, trao học bổng “cùng em đến trường” năm học 2010 – 2011 Do Đoàn cơ sở cơ quan TCT XDCTGT 5 trao tặng và phong trào “Vui tết cho trẻ em khó khăn” năm học 2011 – 2012, Trường chúng tôi đã đến thăm nhiều gia đình học sinh để tặng quà và chia sẻ, động viên các em học sinh khó khăn cố gắng vươn lên, vượt khó học tập. Chính trong những hành trình đó, nhiều cảm xúc đã lắng đọng lại nơi tôi.

Chúng tôi thường đến thăm các em sau mỗi giờ tan học. Có lẽ chính bởi khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, khoảnh khắc mà dân gian ta vẫn gọi là “lúc chạng vạng” đã làm cho không gian nơi ở của học trò chúng tôi thêm nhiều trống trải. Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là buổi chiều hôm đó! Một chiều tháng 2, mưa ướt dầm lối đến nhà em. Lần theo địa chỉ, chúng tôi chật vật lui tới trong con hẻm nhỏ để hỏi nhà, tìm mãi cũng tới nơi. Nhà em chỉ cách trường chưa tới 1km, nhưng chúng tôi phải đi gần 1h đồng hồ mới gặp được em. Ba mất, mẹ đi làm xa từ khi em 2 tuổi. 13 năm mới chỉ vài lần thấy mẹ, em ở với bà ngoại đã gần 80 tuổi cùng cậu, mợ, gì, và các em nhà cậu nhà dì. Chín người ở trong một căn nhà nền đất, mái tôn giột nát liêu xiêu. Góc sáng nhất trong nhà có lẽ là bàn học của mấy chị em được kê bởi chiếc bàn gỗ đã cũ mòn và được chiếu sáng bằng bóng điện tròn 45w. Nơi đó rất nhiều giấy khen của mấy chị em. Không khó lắm để tôi nhìn thấy giấy khen có tên học trò mình, bởi 9 năm liền em đều là học sinh khá giỏi. Mọi người trong nhà đón chúng tôi trong tình cảm mộc mạc, chân chất và cũng nhiều bối rối. Bà ngoại em cứ ngồi khóc hoài từ lúc chúng tôi tới nơi, tiếng khóc không thành lời mà chỉ có những dòng nước mắt ướt nhoè chảy ra từ đôi mắt đã mờ nhạt. Học trò tôi thì bối rối ngồi sau lưng tôi dù tôi đã kéo tay em sát bên để em tự tin ngồi lên phía trước. Tôi nhận ra đôi bàn tay em run rẩy, lưng em cứ còng xuống như muốn thu mình lại. Có lẽ em ít quen giao tiếp nên vậy.

Khoảnh khắc đó lắng lại trong tôi với bao xúc cảm. Và rồi nhiều gia đình tương tự như vậy nữa đã thay đổi quan điểm trong tôi, rằng không phải trẻ em thành phố nào cũng có thể vui bước đến trường, bước chân các em đi còn nhiều lắm sự vướng bận bởi cảnh đời nặng trĩu, bởi sự thiếu thốn về vật chất và đôi lúc là cả tinh thần. Có điều, trong tôi vẫn luôn giữ niềm tin như thủa ban đầu: “Dẫu khó khăn đến mấy thì cũng không gì ngăn được con đường của tất cả các em đến với tri thức của mình”. Dù để phân tích cho tỏ tường việc học và tất cả lợi ích của việc học với các em sẽ thật khó, nhưng em nào cũng nói với tôi rằng “Em sẽ học để sau này bớt khổ, để sau này chữa bệnh cho mẹ, để sau này nuôi gia đình cùng cha, …” Tất cả những nhận thức và mơ ước ấy giúp các em nhân lên trong mình bao khát khao sống, bao nghị lực mạnh mẽ để trỗi dậy. Hoàn cảnh của các em có thể khác nhau, khó khăn của các em có thể khác nhau nhưng đôi mắt các em luôn nhìn về phía trước, đôi chân các em vẫn tiến thẳng có lẽ bởi các em cùng chung những niềm tin.

Năm nay, một tin vui lại đến với trường khi chúng tôi biết các em học sinh khó khăn vượt khó học tốt trong trường sẽ nhận được sự giúp sức từ gia đình ATG với 20 xuất học bổng là 20 chiếc xe đạp. Học bổng ý nghĩa này sẽ tiếp sức cho các em mỗi ngày đến trường, gia đình đã bớt gánh lo về việc đi lại hằng ngày của các em và đối với các em, điều này như được chắp thêm sức mạnh để chặng đường đến lớp của các em gần hơn, con đường tiến lên cuộc sống này của các em xa hơn. Và sức mạnh lớn hơn hết là các em hiểu được sự giúp đỡ về vật chất này chính là sự quan tâm, sự chia sẻ và là ngồn động viên to lớn về tinh thần để các em vững bước trong học tập và cuộc sống thường nhật.

Các em thân yêu! Hãy cứ bước đi trên con đường trước mặt, ta hãy biết chấp nhận sự khác biệt với những điều đã qua, còn trong tương lai – bắt đầu từ giây phút này đây! -  mọi cơ hội được chia đều cho những ai biết trân trọng cuộc sống!


Phạm Thị Thuỳ Loan

Hoạt động tiêu biểu

Website liên kết

Thống kê truy cập

897560
Hôm nay:
Hôm qua:
Tháng này:
Tất cả
1054
2212
36873
897560

Thành tích

Gương mặt tiêu biểu