- Đối với mình - Phải siêng năng, không được lười biếng, ai lười biếng không làm được việc. Phải tiết kiệm, không xa xỉ, vì xa xỉ hoá ra tham lam, nhất là đối với tiền bạc của đoàn thể phải rất phân minh.
(Con đường giải phóng. Tháng 12 năm 1940. Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh).
- Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.
Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.
Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu.
(Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Ngày 5 tháng 9 năm 1954.T.7, Tr.346).
- Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.
(Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I. Ngày 12 tháng 6 năm 1956. T.8, Tr.184).
- Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có.
(Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục. Tháng 5 năm 1957. T.8, Tr.391).
- ... Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người.
Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.
Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.
Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.
Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
(Cần Kiệm Liêm Chính. Tháng 6 năm 1949. T.5).
- Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức.
(Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục. Tháng 5 năm 1957. T.8, Tr.391).
... Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần.
(Bốn tháng rồi. Nhật ký trong tù. Năm 1942-1943. T.3, Tr.387).
- Trong cuộc đấu tranh to lớn, lâu dài, gay go, ít nhiều đảng viên, ít nhiều nơi không tránh khỏi những khuyết điểm như: chủ quan, hẹp hòi, mạo hiểm, hủ hoá, xa quần chúng, chủ nghĩa địa phương, không giữ kỷ luật, làm việc luộm thuộm, tự kiêu, tự mãn v.v.
- Dù đó là những chứng bệnh thành niên, nhưng từ nay, Đảng đòi hỏi các đảng viên phải kiên quyết tẩy cho kỳ sạch những bệnh ấy. Vì nếu không trị cho khỏi hết, thì nó có thể lây ra mà trở nên rất nguy hiểm cho Đảng.
(Kiểm điểm công việc của Đảng. Tháng 1 năm 1949. Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh).
- Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu.
Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi.
Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình.
Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.
(Cần kiệm liêm chính. Tháng 6 năm 1949. T.5, Tr. 644).
- Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
+ Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
+ Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
+ Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
+ Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
(Phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Báo Sự thật, số 140, ngày 2 tháng 9 năm 1950. T.6, Tr.90).
- Dao có mài, mới sắc.
Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch.
Người có tự phê bình, mới tiến bộ.
(Tự phê bình. Báo Nhân dân, số 9, ngày 20 tháng 5 năm 1951. T.6. Tr.209).
- Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói "cả vú lấp miệng em", ngăn cản quần chúng phê bình.
(Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan. Báo Nhân dân, số 176, từ ngày 6 đến 10-4-1954. T.7, Tr.269).
Tin giáo dục
Một số lời dạy của Bác Hồ về đạo đức lối sống
Bác Hồ nói về việc bồi dưỡng và nêu gương người tốt, việc tốt
Sinh thời Bác Hồ rất coi trọng, biểu dương người tốt, việc tốt. Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, thời kỳ ấy Bác có yêu cầu báo Đảng và của các đoàn thể mở ra mục: Người mới, việc mới, đi đôi với phong trào thi đua ở các cấp, các ngành.
Sau khi trao đổi với các nhà báo, Bác nói: Bây giờ nên gọi là “người tốt việc tốt”. Các chú vẫn thường nói: nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng. Điều đó rất đúng. Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ! Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì được khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng huy hiệu.
Phương pháp làm việc của Bác Hồ rất khoa học, ghi chép người tốt, việc tốt rất cụ thể, rõ ràng. Bác nói: Các chú sẽ xem bản kê này, Bác đã ghi rõ mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương, già, trẻ, gái, trai, miền ngược, miền xuôi, Việt kiều mới về nước... có bao nhiều người được khen thưởng. Nơi nào có ít người được khen là do khuyết điểm của cấp lãnh đạo ở đó. Một số cán bộ ta hình như mải làm công tác hành chính, sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa. Có nơi khi nhận được huy hiệu của Bác gửi vể đã biết tổ chức trao tặng hẳn hoi và làm cho mọi người, trong tập thể người đó, noi gương và làm theo. Nhưng có nơi lại làm theo lối hành chính, chuyển cho người được khen như chuyển một cái công văn. Đó là những cán bộ không biết làm việc, hoặc có cái nhìn không đúng. Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường. Hình như các chú cũng chưa coi trọng những việc nhỏ như thế.
Tầm nhìn xa thấy rộng về người tốt, việc tốt mà Bác Hồ rất quan tâm để biểu dương kịp thời. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Bác nói: Có cháu gái tên là Xuân ở Quảng Bình đã chiến đấu dũng cảm, góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Các chú có thấy các cháu nhặt được của rơi, nói với mẹ là đi tìm chú công an để trả lại của bắt được. Các cháu bé lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sẩy chân ngã xuống ao, nếu chạy về nhà gọi người lớn thì bạn nó chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoài cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn: “Bám vào đây! Bám vào đây!”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà đã biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang.
Bộ đội ta không những biết đánh giặc giỏi mà còn biết đỡ đẻ cho dân nữa. Có chú bộ đội đi đường thấy người đàn bà sắp đẻ, thật là khó xử, vì chú ấy chưa học đỡ đẻ bao giờ. Nhưng chú bộ đội vẫn tìm mọi cách giúp đỡ, và tuy tàu xe rất khó khăn, vẫn đưa được cả hai mẹ con về tới gia đình. Như thế mới là bộ đội của nhân dân.
Các cụ già Việt Nam cũng giỏi lắm, còn sức còn phục vụ. Các cụ cùng con cháu đánh giặc giữ nước, xung phong chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh, đỡ đầu lớp mẫu giáo, trong nom vườn trẻ, gương mẫu trồng cây gây rừng. Có những cụ ông, cụ bà chuyên nhận những con trâu ghẻ, trâu gầy của hợp tác xã thành những con trâu béo khỏe có thể kéo cày, kéo gỗ được.
- Nếu Bác ngồi kể lại những việc làm như thế thì kể mãi không hết được. Bác chỉ muốn nhắc các chú một điều: chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Hai cô con gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa đường trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni lông của mình ra đậy gạo cho Nhà nước. Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình, muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng.
Tư tưởng văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học tập lẫn nhau người tốt, việc tốt. Bác Hồ trao đổi với nhà báo, nhà xuất bản rất ân tình, Bác nói: Xin hỏi các chú điều này: Con gái có cần phải học con trai, học anh em, chồng con mình không? Con trai có cần phải học con gái không? Trẻ em có cần phải học người già không? Bộ đội có cần phải học nhân dân không? Anh hùng chiến sĩ có cần phải học những người bình thường không? Tiền tuyến có cần phải học hậu phương không? Cán bộ đảng viên có cần phải học quần chúng nhân dân không? Cấp trên có cần phải học cấp dưới không?
Như vậy, là các chú cũng đồng ý với Bác: Một người phải biết học nhiều người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Đó cũng là một cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho dân tộc ta, cho Đảng ta nhiều bài học vô cùng quý giá để hoạt động cách mạng Việt Nam. Một trong những bài học vô cùng quý giá, đó là bài học nêu gương tốt, việc tốt và học tập những tấm gương người tốt trong quần chúng nhân dân.
Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp khai giảng năm học mới 2009 - 2010
Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp khai giảng năm học mới 2009 - 2010
Nhân ngày khai giảng năm học mới và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường", tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.