Một số lời dạy của Bác Hồ về đạo đức lối sống

- Đối với mình - Phải siêng năng, không được lười biếng, ai lười biếng không làm được việc. Phải tiết kiệm, không xa xỉ, vì xa xỉ hoá ra tham lam, nhất là đối với tiền bạc của đoàn thể phải rất phân minh.
(Con đường giải phóng. Tháng 12 năm 1940. Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh).

- Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.
Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.
Mấy năm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu.
(Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Ngày 5 tháng 9 năm 1954.T.7, Tr.346).

- Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.
(Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I. Ngày 12 tháng 6 năm 1956. T.8, Tr.184).

- Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có.
(Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục. Tháng 5 năm 1957. T.8, Tr.391).

- ... Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người.

Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.

Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không.

Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.

Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.

Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
(Cần Kiệm Liêm Chính. Tháng 6 năm 1949. T.5).

- Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra đòi hỏi hưởng thụ, đãi ngộ. Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức.
(Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục. Tháng 5 năm 1957. T.8, Tr.391).

... Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần.
(Bốn tháng rồi. Nhật ký trong tù. Năm 1942-1943. T.3, Tr.387).

- Trong cuộc đấu tranh to lớn, lâu dài, gay go, ít nhiều đảng viên, ít nhiều nơi không tránh khỏi những khuyết điểm như: chủ quan, hẹp hòi, mạo hiểm, hủ hoá, xa quần chúng, chủ nghĩa địa phương, không giữ kỷ luật, làm việc luộm thuộm, tự kiêu, tự mãn v.v.

- Dù đó là những chứng bệnh thành niên, nhưng từ nay, Đảng đòi hỏi các đảng viên phải kiên quyết tẩy cho kỳ sạch những bệnh ấy. Vì nếu không trị cho khỏi hết, thì nó có thể lây ra mà trở nên rất nguy hiểm cho Đảng.
(Kiểm điểm công việc của Đảng. Tháng 1 năm 1949. Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh).

- Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu.
Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi.
Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình.
Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình.
(Cần kiệm liêm chính. Tháng 6 năm 1949. T.5, Tr. 644).

- Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
+ Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
+ Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
+ Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
+ Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
(Phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Báo Sự thật, số 140, ngày 2 tháng 9 năm 1950. T.6, Tr.90).

- Dao có mài, mới sắc.
Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch.
Người có tự phê bình, mới tiến bộ.
(Tự phê bình. Báo Nhân dân, số 9, ngày 20 tháng 5 năm 1951. T.6. Tr.209).

- Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói "cả vú lấp miệng em", ngăn cản quần chúng phê bình.
(Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan. Báo Nhân dân, số 176, từ ngày 6 đến 10-4-1954. T.7, Tr.269).