Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giáo dục

Trong suốt thời gian qua, trên khắp các tỉnh thành trong cả nước đều hưởng ứng phát động phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", diễn ra với nhiều hình thức khác nhau khá sôi nổi và mang nhiều ý nghĩa hết sức lớn lao trong việc tuyên truyền và giáo dục ý thức của mỗi người dân Việt Nam học và làm theo tấm gương của Bác.

Hồ Chí Minh - một vị anh hùng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, không chỉ được nhân dân Việt Nam kính trọng, tin yêu mà còn được thế giới suy tôn, ca ngợi. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của người gắn liền với hoàn cảnh và tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội và đã trở thành những bài học, những triết lý nhân sinh hết sức sâu sắc cho thế hệ sau. Vì thế, để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cùng với việc đổi mới và phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị, Đảng ta đã chủ trương phát triển kinh tế - xã hội một cách lành mạnh và bền vững bằng việc chăm lo phát triển giáo dục với tốc độ nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn, coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hành đầu.
Trước những nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của nền giáo dục nước nhà hiện nay, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đi sâu nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, về đào tạo nguồn nhân lực, về sự nghiệp trồng người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, ham muốn tột bật của người là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.Giáo dục là một khoa học. Đó là khoa học về thiết kế xây dựng con người phục vụ chế độ xã hội, khoa học về cách thức, phương pháp giáo dục con người với chất lượng tốt nhất và hiệu quả nhất; khoa học về xây dựng một nền giáo dục với quy mô, cơ cấu phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và phải giải quyết được nhu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một khoa học không chỉ được đề cập ở phạm vi nghĩa hẹp là giáo dục tri thức, học vấn giới hạn trong nhà trường, giữa thầy và trò, mà nội dung tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là hết sức rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực. Đó là tư tưởng về giáo dục đạo làm người, là quan điểm giáo dục con người nói chung cả về lý tưởng, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ, đạo đức trong toàn bộ các quan hệ xã hội. Với sự xác định như vậy, có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là rất sâu rộng cả về mục đích, nội dung, phương pháp.

Giáo dục quyết định đến sự biến đổi tư tưởng, tâm lý và nâng cao trình độ nhận thức của con người. Giáo dục trở thành điều kiện tiền đề cho việc hình thành và phát triển bản chất con người. Nó là vũ khí rất sắc bén để giúp chúng ta cải tạo con người. Thông qua hoạt động thực tiễn của con người, giáo dục có vai trò quan trọng tác động vào các hoạt động kinh tế văn hoá và quan hệ xã hội. Vai trò của giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Khi điều kiện vật chất được nâng cao tất yếu sẽ tạo cơ sở cho nền giáo dục phát triển. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau. Trong thực tiễn xây dựng nền kinh tế, văn hoá, xã hội ở nước ta cho thấy nếu không phát triển, mở mang giáo dục để đào tạo ra đội ngũ những người lao động, những cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn và phẩm chất đạo đức chính trị thì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước sẽ không đạt kết quả cao. Do vậy, giáo dục được xem là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, dân tộc ta đã được giải phóng thì không chỉ riêng thanh niên mà tất cả mọi người không phân biệt già trẻ, trai gái, thành phần giai cấp trong xã hội cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập. Bởi nền giáo dục của ta là một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục đó sẽ đào tạo nên những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, làm phát triển hoàn toàn những nguồn lực có sẵn của mỗi người. Nhất là đối với thế hệ trẻ, các em là những mầm xanh, là tương lai của đất nước, đất nước có thực sự phát triển vững mạnh hay không là tuỳ thuộc vào thế hệ trẻ này. Cho nên, chúng ta cần phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà, những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta. Do đó, các ngành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này về mọi mặt, đẩy sự nghiệp của nước ta lên những bước phát triển mới.

Bên cạnh đó, trong giáo dục việc xây dựng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh không chỉ dạy mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, nhân, trí, tín, dũng mà còn kêu gọi mọi người chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Đó là những tiêu chuẩn cơ bản của đạo đức cách mạng, là nền tảng cho việc xây dựng con người mới toàn diện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xây dựng nền giáo dục mới mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng đã được Đảng và Nhà nước ta xây dựng và phát triển, mà còn là ngọn cờ lý luận soi đường cho cách mạng Việt Nam hơn 60 năm qua. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo con người mới Việt Nam thực sự ngày càng được hiện thực hoá trong cuộc sống sinh động.

Nước ta đang trên con đường hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước để phù hợp với xu thế toàn cầu hoá, hội nhập thế giới, đòi hỏi một yêu cầu tất yếu phải bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người, đây là yếu tố cơ bản của sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam.

"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã trở thành một phương châm đối với tất cả công dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là Đảng viên, cán bộ công chức nói riêng để có thể thấm nhuần và phát huy tư tưởng của Bác, chung tay góp sức xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh đổ máu của các anh hùng dân tộc ra sức bảo vệ cho nền độc lập của Tổ quốc.